TUYÊN TRUYỀN PHÒNG CHỐNG SUY DINH DƯỠNG

Thứ tư - 26/02/2025 08:24
1
1
TUYÊN TRUYỀN PHÒNG CHỐNG SUY DINH DƯỠNG
 
Kính thưa: Các bậc phụ huynh học sinh, qua kết quả cân đo đầu năm tổng số trẻ toàn trường là 284 học sinh, trong đó có 38 trẻ bị suy dinh dưỡng chiếm 13,4%. Để có biện pháp chăm sóc phục hồi trẻ suy dinh dưỡng tốt nhất và hạn chế tốc độ tăng cân cho trẻ béo phì sau đây tôi xin đưa ra một số nội dung biện pháp trao đổi với các bậc phụ huynh như sau:
*Khái niệm suy dinh dưỡng
Suy dinh dưỡng là một bệnh lý thường gặp ở trẻ em nhất là trẻ dưới 5 tuổi, suy dinh dưỡng trẻ em để lại hậu quả rất nặng nề không những cho cá nhân gia đình mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Trẻ bị suy dinh dưỡng sẽ kém phát triển về thể chất, trí tuệ, tầm vóc, năng lực vận động và tư duy kém, dể mắc bệnh tỷ lệ tử vong cao hơn người bình thường
Suy dinh dưỡng là tình trạng cơ thể không được cung cấp đầy đủ năng lượng và chất đạm cũng như các yếu tố vi lượng khác để đảm bảo cho cơ thể phát triển.
1. Nguyên nhân dẫn đến suy dinh dưỡng ở trẻ em
Thường là do tổng hợp từ nhiều yếu tố:
- Do dinh dưỡng: Nuôi trẻ không đúng phương pháp khi mẹ thiếu hoặc mất sữa, cho trẻ ăn bổ sung không đúng cả về số lượng và chất lượng, nguyên nhân quan trọng nhất hay gặp là do bà mẹ thiếu kiến thức dinh dưỡng hoặc không có thời gian chăm sóc con cái.
- Do ốm đau kéo dài: Trẻ mắc các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp, tiêu hóa nhiều lần, biến chứng sau các bệnh viêm phổi, sởi, lỵ …
- Do thể tạng dị tật: Trẻ đẻ non, suy dinh dưỡng bào thai, các dị tật sứt môi, hở hàm ếch, tim bẩm sinh.
Muốn biết trẻ có bị suy dinh dưỡng hay không các bà mẹ cần phải theo dõi cân nặng thường xuyên cho trẻ trên biểu đồ phát triển. Nếu thấy 2-3 tháng liền trẻ không tăng cân cần phải đưa trẻ đi khám bác sĩ để tìm hiểu nguyên nhân.
Theo tiêu chuẩn cân nặng/tuổi người ta chia suy dinh dưỡng làm 3 độ:
-  Suy dinh dưỡng Độ I: Trọng lượng còn 90% so với tuổi
-  Suy dinh dưỡng Độ II: Trọng lượng còn 75% so với tuổi
-  Suy dinh dưỡng Độ III: Trọng lượng còn dưới 60% so với tuổi.
2. Những dấu hiệu của trẻ bị suy dinh dưỡng
- Làm thế nào để biết trẻ bị suy dinh dưỡng? Theo dõi cân nặng hàng tháng là cách tốt nhất để biết trẻ có bị suy dinh dưỡng hay không. Trẻ bị suy dinh dưỡng khi không tăng cân và nhẹ cân hơn đứa trẻ bình thường cùng lứa tuổi.
- Teo mỡ ở cánh tay, thịt nhẽo, lên cân chậm
- Biếng ăn, chậm mọc răng
- Teo nhỏ: mất hết lớp mỡ dưới da bụng.
- Da xanh, tóc thưa rụng dễ gãy, đổi màu, chậm mọc răng, chậm biết đi, quấy khóc
- Ăn kém, hay bị rối loạn tiêu hóa: ỉa phân sống, ỉa chảy, hay mắc các bệnh nhiễm trùng
- Thể nặng: Có phù hoặc teo đét, có thể biểu hiện của thiếu vitamin gây quáng gà, khô giác mạc đến loét giác mạc. Hiện nay thể nặng rất hiếm gặp.
3. Ðể phát hiện sớm những biểu hiện này, cha mẹ cần:
- Theo dõi sát chế độ ăn của trẻ xem trẻ có ăn hết suất và đủ bữa không.
- Quan sát da, cơ, răng, tóc của trẻ xem có những thay đổi như trên.
- Quan sát sự phát triển vận động của trẻ xem có bình thường (lật, ngồi, đứng chựng, đi... có đúng với lứa tuổi).
- Thường xuyên đưa trẻ đến cơ quan y tế để cân, đo chiều cao mỗi 1-2 tháng, điều này giúp phát hiện nhanh chóng tình trạng chậm tăng cân, chậm tăng chiều cao của trẻ.
- Xem trẻ có thường xuyên mắc các bệnh lý nhiễm trùng không.
4. Các bà mẹ cần phải làm gì khi trẻ bị suy dinh dưỡng
Với thể vừa và nhẹ (độ I và độ II): Điều trị tại nhà bằng chế độ ăn và chăm sóc.
- Chế độ ăn: Cho trẻ bú mẹ theo nhu cầu, bất cứ lúc nào kể cả ban đêm.
- Nếu mẹ thiếu hoặc mất sữa: Dùng các loại sữa bột công thức theo tháng tuổi, hoặc dùng sữa đậu nành (đậu tương).
- Tăng đậm độ năng lượng của bữa ăn bằng cách cho tăng thêm enzym (men tiêu hóa) trong các hạt nảy mầm để làm lỏng thức ăn và tăng độ nhiệt lượng của thức ăn. Cụ thể là: có thể dùng giá đậu xanh để làm lỏng thức ăn cho trẻ, tức là có thể tăng lượng bột khô lên 2-3 lần mà độ lỏng của bột không thay đổi. Cứ 10g bột cho 10g giá đậu xanh giã nhỏ lọc lấy nước.
5. Những loại thực phẩm nên dùng cho trẻ suy dinh dưỡng
- Gạo, khoai tây.
- Thịt: gà, lợn, bò, tôm, cua, cá, trứng.
- Sữa bột giàu năng lượng: Theo hướng dẫn cụ thể của Bác sĩ
- Dầu, mỡ.
- Các loại rau xanh và quả chín.
6. Chế độ ăn với trẻ suy dinh dưỡng nặng (độ III)
- Cho nhiều bữa trong ngày.
- Tăng dần calo.
- Dùng sữa cao năng lượng: Theo chỉ định và tư vấn trực tiếp của Bác sĩ Trẻ cần được ăn bổ sung theo các chế độ ăn giống như trẻ bình thường. Số lượng một bữa có thể ít hơn nhưng số bữa ăn nhiều hơn trẻ bình thường.
Những trẻ có suy dinh dưỡng nặng kèm theo tiêu chảy hoặc viêm phổi phải đưa vào điều trị tại bệnh viện.
7. Ngoài chế độ ăn còn cho trẻ ăn bổ sung thêm một số Vitamin và muối khoáng
- Các loại Vitamin tổng hợp.
- Chế phẩm có chứa sắt chống thiếu máu.
- Men tiêu hóa (nhưng phải dùng theo chỉ định của thầy thuốc).
8. Chăm sóc trẻ bị suy dinh dưỡng
- Cung cấp đầy đủ nước sạch và nước sinh hoạt.
- Trẻ phải được vệ sinh, tắm rửa sạch sẽ.
- Phải giữ ấm về mùa đông, phòng ở thoáng mát về mùa hè, đầy đủ ánh sáng.
9. Suy dinh dưỡng thể thấp còi
Suy dinh dưỡng thể thấp còi là tình trạng trẻ chậm phát triển chiều cao. Suy dinh dưỡng thể thấp còi phản ánh tình trạng suy dinh dưỡng mãn tính kéo dài.
+ Hậu quả của suy dinh dưỡng thấp còi:
- Ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và trí tuệ của trẻ
- Ảnh hưởng đến chất lượng nòi giống
- Trẻ dễ bị béo phì do thấp chiều cao
Chiều cao của trẻ do 3 yếu tố chính quyết định:
+ Di truyền
+ Chế độ dinh dưỡng
+ Luyện tập thể dục thể thao
Như vậy có 2 yếu tố có thể tác động và can thiệp được đó là chế độ dinh dưỡng và luyện tập thể dục thể thao:
* Về chế độ dinh dưỡng
- Cung cấp đủ năng lượng theo lứa tuổi, trẻ không thể cao được nếu ăn thiếu năng lượng bằng cách ăn đủ các bữa cháo, bột, cơm...hàng ngày theo tháng tuổi. Bổ sung đầy đủ dầu mỡ trong các bữa ăn.
- Ưu tiên các bữa ăn chứa nhiều đạm: thịt, cá, trứng, sữa
- Chọn các thực phẩm giàu canxi, sắt, kẽm: chính là các nhóm thức ăn có nguồn gốc động vật giàu chất đạm, đặc biệt thức ăn chứa nhiều kẽm: thịt gà, thịt cóc, con hàu...
- Nên cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và tiếp tục cho bú đến 2 tuổi.
- Ăn nhiều rau xanh quả chín nhằm cung cấp các vitamin và khoáng chất.
- Chế độ ăn cần bổ sung các vi chất dinh dưỡng dưới dạng thuốc: Vitamin D, Vitamin A, sắt, canxi....
- Điều trị kịp thời các bệnh còi xương, rối loạn tiêu hóa...
* Chế độ luyện tập thể dục thể thao cũng đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển chiều cao của trẻ: các môn thể thao giúp trẻ phát triển chiều cao: bơi lội, đạp xe, chạy, chơi cầu lông .... khi trẻ lớn chọn môn thể thao phù hợp với tuổi của trẻ.
Như vậy để trẻ lớn lên khỏe mạnh thông minh các bà mẹ không chỉ chú ý đến sự phát triển cân nặng của trẻ mà còn phải quan tâm đến sự phát triển chiều cao của trẻ. Vì chiều cao chỉ có từng giai đoạn phát triển nếu để nó đi qua sẽ không lấy lại được.
*Biện pháp phục hồi dinh dưỡng cho trẻ bị suy dinh dưỡng tại nhà trường
- Xây dựng chế độ ăn cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho trẻ.
- Cần chú ý khi tổ chức bữa ăn cho trẻ động viên trẻ ăn ngon miệng, ăn hết xuất, đặc biệt chú ý đến những trẻ bị suy dinh dưỡng, trẻ biếng ăn, trẻ bị sâu răng hoặc những trẻ mới ốm dậy
- Kết hợp với nhà bếp lên thực đơn phù hợp theo mùa, cân đối khẩu phần ăn cho trẻ hợp lý. Thường xuyên thực hiện tốt khâu vệ sinh nhà bếp, vệ sinh nguồn nước, vệ sinh môi trường xung quanh bếp.
- Cung cấp đầy đủ nước sôi, nước sạch phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày của trẻ.
- Cán bộ y tế làm tốt công tác tham mưu với Trạm y tế xã để kiểm tra sức khỏe định kỳ 2 lần/năm.
- Cán bộ y tế kết hợp với giáo viên chủ nhiệm các lớp theo dõi sức khỏe trẻ hàng tháng, hàng quý theo quy định.
- Tuyên truyền tới các bậc phụ huynh kiến thức về nuôi dạy trẻ đặc biệt là bệnh suy dinh dưỡng.
BIỆN PHÁP HẠN CHẾ TỐC ĐỘ TĂNG CÂN CHO TRẺ BÉO PHÌ
1. Tác hại và nguy cơ của béo phì
Béo phì là tình trạng cơ thể tích tụ quá nhiều mỡ do sự dư thừa năng lượng trong khẩu phần ăn hàng ngày so với nhu cầu tiêu hao của cơ thể.
Đối với trẻ em béo phì đều trở thành người lớn béo phì, nên đều có nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, bệnh huyết áp, bệnh viêm khớp, bệnh tiểu đường....
         Trẻ em béo phì thường xuyên có cảm giác kém cỏi do chúng hạn chế và bị cách li với các bạn khác, ảnh hưởng tới sinh hoạt và học tập,trẻ béo phì thường được người khác nựng nịu, dòm ngó, trẻ tự cho mình là " xấu xí" và có mặc cảm, có tác hại  về  nhiều mặt.
          Về mặt thể lực:
Các trẻ em béo phì luôn luôn yếu hơn các trẻ bình thường. Các trẻ mập phì thường chậm chạp hơn, nặng nề hơn các trẻ khác. Điều này thật dễ hiểu, có thể lý giải một cách thô sơ là các bắp mỡ chèn ép các cơ bắp, cản trở sự hoạt động của các cơ bắp.
2. Nguyên nhân chứng béo phì là do đâu?
- Có một số nguyên nhân, chủ yếu là do sai lầm trong chế độ ăn uống là nguyên nhân hay gặp nhất. Ở trẻ đa số béo phì là do ăn uống quá mức, được tích luỹ lại dần dần, mỗi ngày một tăng trong lớp mỡ dưới da và ngày càng làm cho lớp mỡ đó phát triển lên gây nên chứng mập phì.
- Còn nguyên nhân của sự ăn uống quá mức là do các bà mẹ. Bà mẹ nào cũng mong cho con trẻ "Hay ăn, chóng lớn" và khi thấy trẻ ăn nhiều thì rất mừng. Điều đó thật dễ thông cảm. Tuy nhiên việc để cho trẻ ăn uống quá mức một cách tự do, nhất là ăn uống quá nhiều các loại bánh hấp dẫn như bánh ngọt, nước ngọt, sôcôla...là điều không nên làm.
3. Biện pháp hạn chế tốc độ tăng cân, đảm bảo sức khỏe cho trẻ béo phì
Điều trị béo phì rất khó khăn do phải kiên trì, thời gian điều trị không chỉ kéo dài hàng tháng, hàng năm mà có khi suốt cả cuộc đời. Mục đích của điều trị là làm giảm cân nặng và giữ tốc độ tăng trưởng, phải kết hợp nhiều biện pháp nhưng chủ yếu là 2 phương pháp: điều chỉnh chế độ ăn và tăng cường hoạt động thể lực mỗi ngày để tiêu hao năng lượng thừa.
+ Thay đổi dần dần chế độ ăn uống cho trẻ:
Trước tiên việc chữa trị cho trẻ béo phì vẫn phải đảm bảo cho trẻ lớn lên và phát triển về mọi mặt. Do đó không phải bắt trẻ nhịn ăn, hoặc ăn quá ít sẽ làm cho trẻ mỏi mệt, luôn luôn buồn ngủ, học hành kém đi, sức đề kháng của cơ thể giảm sút, và từ đó sẽ dễ bị bệnh tật. Như vậy nên cho trẻ ăn uống cho vừa đủ, cần lưu ý đến một số điều sau:
Hạn chế các chất béo như mỡ, bơ thay mỡ động vật bằng dầu thực vật, tuy nhiên cũng không nên dùng nhiều. Vì vậy khi nấu nướng thức ăn nên dùng cách luộc, hấp nhiều hơn chiên xào, các loại trái cây tươi ít ngọt ( như mận, củ sắn, thanh long, bưởi táo ta, đu đủ, cam….) để vừa giảm cung cấp năng lượng vừa bổ sung thêm lượng Vitamin, muối khoáng vừa dễ tiêu hoá hấp thu và ngừa táo bón, thải cholesterol và các chất độc hại ra khỏi cơ thể.
Hạn chế tối đa các chất ngọt như  kẹo, bánh ngọt, sôcôla, không cho trẻ luôn luôn ăn quà vặt, giữa các bữa ăn nếu trẻ đói có thể cho ăn trái cây.
+  Cho trẻ thực hiện các bài tập thể dục :
Các trẻ béo phì cần tập thể dục ít nhất 1- 2 lần mỗi ngày. Lúc tập thể dục sáng xong cho trẻ tập thêm các bài tập dành cho trẻ béo phì. Trẻ lắc vòng, leo thang… với các dụng cụ trang bị tại sân trường. Hoạt động thể lực sẽ làm tiêu bớt mỡ thừa, cơ thể trẻ sẽ săn chắc và gọn hơn.
Ở trường vẫn cho trẻ ăn đủ lượng protid, tăng cường rau xanh cho trẻ hàng ngày như rau cải, bí xanh, rau dền mồng tơi….
Giáo dục trẻ mọi lúc, mọi nơi cung cấp kiến thức để trẻ có ý thức tự phòng chống béo phì bằng cách lồng ghép nội dung giáo dục vào các hoạt động, tình huống, câu chuyện, tạo tác động tư tưởng giúp trẻ tự cảm nhận bằng sự so sánh trực quan cụ thể.
Tuy nhiên việc áp dụng chế độ ăn cho trẻ không nên làm đột ngột mà phải từ từ, cho trẻ quen dần.
Trên đây là kiến thức và một số biện pháp phòng chống suy dinh dưỡng và phòng chống béo phì cho trẻ trong trường mầm non tôi hy vọng rằng sau buổi tuyên truyền này các bậc phụ huynh sẽ có biện pháp tốt nhất để chăm sóc cho con em mình.
 
 
 
256

Tác giả bài viết: Lò Thị Hoàng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

LIÊN KẾT WEBSITE

 

 

 

 

HỖ TRỢ KỸ THUẬT
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập16
  • Hôm nay593
  • Tháng hiện tại8,334
  • Tổng lượt truy cập313,011
headerleft
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Chế độ giao diện đang hiển thị: Tự độngMáy Tính